“Cha của anh đấng thấu suốt những gì kín đáo
sẽ trả công cho anh”. (Mt 6, 6)
BÀI ĐỌC I: 2 Cr 9, 6-11
“Thiên Chúa yêu thương kẻ cho cách vui lòng”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, ai gieo ít, thì gặt ít. Ai gieo nhiều thì gặt nhiều. Mỗi người hãy cho theo như lòng đã định, không phải cách buồn rầu, hoặc miễn cưỡng: Thiên Chúa yêu thương kẻ cho cách vui lòng. Thiên Chúa có quyền cho anh em được dư tràn mọi ân phúc: để anh em vừa luôn luôn sung túc mọi mặt, vừa còn được dư dật để làm các thứ việc phúc đức, như đã chép rằng: “Người đã rộng tay bố thí cho kẻ nghèo khó, đức công chính của Người sẽ tồn tại muôn đời”.
Đấng đã cung cấp hạt giống cho kẻ gieo, và bánh để nuôi mình, thì cũng sẽ cung cấp cho anh em hạt giống dư đầy, và sẽ làm phát triển hoa quả sự công chính của anh em. Như thế, anh em được giàu có mọi bề, để thi hành mọi việc bác ái; qua tay chúng tôi, phúc đức đó sẽ làm phát sinh lời cảm tạ Thiên Chúa.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 111, 1-2. 3-4. 9
Đáp: Phúc đức thay người tôn sợ Chúa (c. 1a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng ham mộ luật pháp của Ngài. Con cháu ngươi sẽ hùng cường trong Đất Nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền nhân. - Đáp.
2) Trong nhà người có tài sản phú quý, và lòng quảng đại người còn mãi muôn đời. Trong u tối người xuất hiện như ánh sáng soi kẻ lòng ngay, người nhân hậu, từ bi và công chính. - Đáp.
3) Người ban phát và bố thí cho những kẻ nghèo, lòng quảng đại của người muôn đời còn mãi, sừng người được ngẩng lên trong vinh quang. - Đáp.
Tin mừng: Mt 6,1-6.16-18
1 “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.
2 Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.
3 Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, 4 để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”
5 “Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi.
6 Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”
16 “Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.
17 Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, 18 để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo.
Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Bố thí, cầu nguyện và ăn chay chỉ có giá trị trước mặt Chúa khi được thực hiện vì Chúa, chứ không vì người đời hay với dụng ý khoe khoang.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, lắng nghe Tin Mừng hôm nay, con thấy Chúa muốn dạy con rằng các việc đạo đức con làm là làm cho Chúa, là sống với Chúa và với mọi người trong sự chân thành yêu thương, mà không cầu lợi cho mình, không mong tìm sự đánh giá của người khác. Chúa muốn cảnh giác con, để con tránh khỏi hình thức đạo đức bên ngoài. Chúa không muốn con đến cùng Chúa với dụng ý tư lợi, không muốn con đối xử với kẻ khác bằng thái độ vị kỷ. Trong gia đình, thật là tệ nếu con cái yêu thương bố mẹ chỉ vì muốn cha mẹ mua cho chiếc xe, cái máy. Con cũng không thể đến với Chúa với thái độ như vậy.
Ẩn sau các việc đạo đức là một thái độ sống: sống trước mặt Chúa và cho Chúa như một người cha. Đó là cách để con tỏ bày lòng thảo hiếu yêu mến Chúa.
Lạy Chúa, xin Chúa cho con nhận ra điều đó để con sống tốt trước mặt Chúa. Chúa là Cha yêu thương con, đã ban cho con rất nhiều ơn mà con không nhận thấy được. Chúa ban ơn phúc cho con mà không mong tìm điều gì cho Chúa. Con ao ước cuộc sống của con là cách thức để nói lên tấm lòng của con đối với Chúa, dù khi con sống một mình hoặc con sống trước mặt kẻ khác.
Con muốn sống lương thiện không phải để được tiếng khen của người đời nhưng là để sống theo giáo huấn của Chúa. Con muốn cầu nguyện bởi vì đời sống con cần Chúa và phải gắn bó với Chúa. Con yêu thương tha nhân vì chúng con là con của Chúa. Xin tình yêu Chúa tinh luyện mọi hành vi và cuộc sống của con. Amen.
Ghi nhớ: “Cha ngươi Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Phân tích
Trong số các việc đạo đức, người Do Thái rất coi trọng 3 việc: bố thí, cầu nguyện và ăn chay.
Nhiều người làm việc đó chỉ nhằm mục đích được tiếng mình là đạo đức, cho nên họ làm sao cho người ta thấy mà khen họ. Chúa Giêsu gọi đó là giả hình.
Ngài dạy các môn đệ khi làm việc đạo đức, chỉ nên nhắm vào làm cho Cha trên trời vui thôi, cho nên hãy làm cách kín đáo.
Suy gẫm
1. Hãy tự đặt cho mình một số câu hỏi ngắn để trắc nghiệm ý ngay lành của mình khi làm những việc đạo đức:
Trong Thánh lễ, khi tôi lên rước lễ, hay khi tôi lên đọc Sách Thánh, tôi nghĩ đến ai hay nghĩ đến điều gì nhiều nhất: Chúa? Những cặp mắt nhìn tôi? Bề trên sẽ đánh giá tôi?
Trong thời gian nghĩ không ai để ý đến một số việc đạo đức của tôi nữa, như nguyện gẫm, lần chuỗi khi đó tôi có làm những việc đó không? Làm như thế nào?
Thí dụ tôi có tham dự các giờ cầu nguyện đầy đủ, nhưng có người vì không thấy nên nói tôi bỏ bê những việc đó, tôi nghĩ sao? Tôi phản ứng thế nào?
Ngoài những việc đạo đức quy định và thời gian quy định cho những việc đó, tôi có làm thêm việc nào nữa không hay kéo dài thêm thời gian không?
2. Có một Linh Sư Ấn Độ nổi tiếng là bậc thánh thiện. Ông đã mở được một trung tâm cầu nguyện và quy tụ được khá nhiều đệ tử. Ngày nọ có một người tìm thầy học đạo. Để thử đức vâng lời của anh, ông ta bảo anh ta phải bơi qua một con sông đầy cá sấu. Không chút ngần ngại người thanh niên nhảy xuống và bơi qua sông mà không bị nguy hiểm gì cả. Anh vui mừng hô to: “Tung hô quyền năng kỳ diệu của thầy tôi.” Sự kiện này làm cho vị Linh Sư tin là mình thánh thiện. Do đó ông muốn chứng minh cho các đệ tử thấy quyền năng của mình. Ông tập họp tất cả các đệ tử trên bờ sông. Rồi ông hô lớn “tung hô quyền năng của ta” và nhảy xuống sông. Thế nhưng vừa khi ông rơi xuống, đàn cá sấu đã nhào tới cắn xé ông ra từng mảnh.
Dụ ngôn trên có thể là một định nghĩa về sự thánh thiện. Thánh thiện là sự quên mình, quên mình đến độ không có ý thức về sự thánh thiện của mình và sử dụng chính sự thánh thiện của mình nữa. Thiên chúa ban sự thánh thiện cho một người nào đó để những người khác được hưởng nhờ. Bao lâu sự thánh thiện của người đó còn được người khác hưởng dùng thì bấy lâu người đó còn thánh thiện. Trái lại kể từ khi người đó muốn giữ riêng sự thánh thiện cho mình thì người đó đã đánh mất sự thánh thiện và đánh mất cả chính mình.
3.“Cha của anh đấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ trả công cho anh” (Mt 6.6b)
Sáng nay mình đi học trễ, tuy thế vẫn cố sức đạp xe cho thật nhanh cho kịp giờ học.
À mà! Một bà cụ gánh trái cây bị xe thồ tông phải, trái cây lăn đầy ra đường.
Tôi tự nhủ: “Đường vắng quá có giúp cũng chẳng ai thấy, cứ lo việc của mình đã.” Thế là tôi vụt qua, mặc cho bà cụ lẻ loi một mình. Đi được một quãng tôi chợt cảm thấy thật có lỗi với bà cụ ấy. Những bài học về nhân bản như bị xé vụn trước mặt mình. Cả ngày hôm đó hình ảnh bà cụ cứ làm tôi ray rứt mãi.
Vậy đó, nhiều lúc mình cứ tưởng làm những việc lớn lao mới được tiếng tăm, được người ta kính nể, thán phục. Nhưng tôi đã lầm, nhặt một mảnh kính vỡ giữa đường, dắt một em bé qua đường, nếu làm được với tất cả với lòng mến và khiêm nhường, thì quả thật mình làm được một việc lớn. Ngược lại nếu có “dời non lấp bể” để rồi công việc mình làm chỉ để phục vụ cho cái tôi huênh hoang tự đắc thì kết quả chỉ là con số không.
Lạy chúa, xin đừng để con sa vào cạm bẫy của lợi danh, nhưng dạy con biết phục vụ trong khiêm hạ và yêu thương.
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Hãy trung thực, đừng giả hình (Mt 6,1-6.16-18)
Trong số các việc đạo đức, người Do thái coi trọng 3 việc là bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Chúa dạy chúng ta cách thức làm ba việc lành ấy cho tốt, để đáng được Chúa thưởng công.
Điều cốt yếu là khi làm ba việc lành đó, chúng ta tránh phô trương ra bên ngoài, mỗi khi làm được việc gì lành, điều gì tốt, chúng ta luôn luôn muốn cho mọi người biết. Còn khi làm việc gì không tốt thì chúng ta muốn giấu kín. Chúng ta phải làm việc lành với lòng khiêm tốn, âm thầm, kín đáo, vì lòng mến Chúa yêu người thực sự, để làm đẹp lòng Chúa, làm sáng danh Chúa, để Chúa là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn sẽ thưởng công chúng ta.
Tin mừng hôm nay ghi lại những lời dạy của Chúa Giêsu về tinh thần tu đức cần phải có, với nguyên tắc sống đạo: đừng làm việc lành có ý phô trương cho người ta thấy. Theo luật Maisen, bố thí, cầu nguyện, ăn chay là những việc lành cao quí, và người ta thường tổ chức các việc đạo đức đó cách công khai để thúc đẩy nhiều người tham gia. Chúa Giêsu không phản đối các việc đó, nhưng Ngài chỉ muốn người ta thực hiện chúng với ý hướng mới, đó là làm vì lòng yêu mến và tìm đẹp lòng Chúa hơn là để được người ta khen ngợi. Chẳng vậy, các việc đạo đức ấy có thể chỉ có hình thức, đấy là chưa nói đến trường hợp có nhiều người làm bộ cầu nguyện lâu giờ, ăn chay nhiều ngày, bố thí rộng rãi để dễ lừa gạt người khác (Mỗi ngày một tin vui).
Nhưng lời Chúa dạy hôm nay sao mà gắt gao quá, phải không bạn ? Khi làm việc lành phúc đức tôi đã hy sinh cái lợi, cái thú rồi thì ít ra tôi cũng được phép kiếm chút danh chứ ? Câu trả lời của Chúa là KHÔNG! Chúa nói rõ: làm việc đạo đức mà cầu danh thì đấy là đạo đức giả. Điều Chúa muốn, đó là chúng ta thực thi ý Ngài với ý thức rằng:”Chúng tôi chỉ là những tôi tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (x. Lc 17,10). Các sách Tin mừng cho thấy Chúa Giêsu đã gặp gỡ, tiếp xúc với rất nhiều loại người, nhưng gặp rắc rối là với những kẻ đạo đức giả, chứ không phải với những người tội lỗi thật (5 phút Lời Chúa).
Trước đây Chúa Giêsu trình bày sự công chính mới trong lãnh vực các điều răn, nay Ngài đề cập tới nền đạo đức mới: phải thực thi những việc đạo đức thế nào phải phù hợp với tinh thần của Chúa Kitô. Những lời khuyên bảo của Chúa Giêsu về những việc đạo đức được bao gồm ba chiều kích:
- Đối với tha nhân: bố thí.
- Đối với Thiên Chúa: cầu nguyện.
- Đối với bản thân: chay tịnh.
Ba chiều kích này tiêu biểu cho cả cuộc sống. Điều cốt yếu trong cả ba trường hợp vẫn là sống thật, sống trước mặt Thiên Chúa với ý hướng ngay thẳng và thi hành ý Chúa.
Bố thí, cầu nguyện, ăn chay là ba nét chính yếu trong đời sống đạo của người Do thái. Việc làm thì tốt,
nhưng vì hình thức bên ngoài mà việc làm mang ý nghĩa khác, bởi vì có người bố thí, cầu nguyện, ăn chay chỉ là để phô diễn cái tôi của họ để rồi đánh mất đi giá trị đích thực của công việc.
- Bố thí là lời yêu thương gửi đến người khác, nhưng nếu chỉ để mình được thấy thì làm sao thấy được kẻ khác;
- Cầu nguyện là hướng về Thiên Chúa, nhưng nếu chỉ qui về mình thì làm sao còn có chỗ cho Thiên Chúa;
- Ăn chay là một đền bù cho những lỗi lầm, và diễn tả khao khát được Thiên Chúa lấp đầy, nhưng nếu con người đã no thoả trong chính mình thì làm sao họ còn cần đến Thiên Chúa.
Giữa Thiên Chúa và thế gian đã có một cách biệt rõ ràng: nếu đã tìm giá trị trần gian, con người khó lòng vươn tới được giá trị đích thực. “Họ đã được thưởng công rồi”: đó là lời tuyên bố dứt khoát đối với những ai chỉ mải miết chạy theo những giá trị trần thế.
Lời Chúa hôm nay là một hướng dẫn cho người Kitô hữu không những trong các việc làm căn bản của đời sống đạo, mà cả những công việc trong đời sống hằng ngày nữa. Công việc chỉ có giá trị khi người Kitô hữu biết nhìn công việc bằng ánh mắt của Đức Kitô và biết phân tích theo những tiêu chuẩn thẩm định của Thiên Chúa. Đó có thể là công việc mà người đời cho là tầm thường hoặc không được ai biết đến, nhưng Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự sẽ thưởng công cho.
Truyện: Đừng phô trương
Có một linh sư Ấn độ nổi tiếng là bậc thánh thiện. Ông đã mở được một trung tâm cầu nguyện và qui tụ được khá nhiều đệ tử. Ngày nọ có một người tìm thầy học đạo. Để thử đức vâng lời của anh, ông bảo anh phải bơi qua một dòng sông đầy cá sấu. Không chút ngần ngại, người thanh niên nhảy xuống và bơi qua sông mà không bị nguy hiểm gì cả. Anh vui mừng hô to: “Tung hô quyền năng kỳ diệu của Thầy tôi”. Sự kiện này làm cho vị linh sư tin rằng mình là một người thánh thiện. Do đó ông muốn chứng minh cho các đệ tử thấy quyền năng của mình. Ông tập họp tất cả các đệ tử trên bờ sông. Rồi ông hô lớn “Tung hô quyền năng của ta” và nhảy xuống sông. Thế nhưng vừa khi ông rơi xuống, đàn cá sấu đã ào tới cắn xé ông ra từng mảnh.
Dụ ngôn trên có thể là một định nghĩa về sự thánh thiện. Thánh thiện là sự quên mình, quên mình đến độ không còn ý thức về sự thánh thiện của mình và sử dụng chính sự thánh thiện của mình nữa. Thiên Chúa ban sự thánh thiện cho một người nào đó là để những kẻ khác được hưởng nhờ. Bao lâu sự thánh thiện của người đó còn được người khác hưởng dùng thì bấy lâu người đó còn thánh thiện. Trái lại, kể từ giây phút người đó muốn giữ riêng sự thánh thiện cho mình, thì người đó mất sự thánh thiện và đánh mất cả chính mình (Chờ đợi Chúa).
Suy niệm 3: (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Có một con chuột sống trong một ngôi nhà thờ cũ kỹ ở miền quê. Một hôm nó đi lang thang dạo mát bỗng gặp một con chuột khác cũng đang đi chơi. Nó liền được dịp tâm sự: “Tôi sống chui rúc dưới gầm một tòa giải tội. Nhưng chẳng được yên thân vì hầu như lúc nào cũng có người xưng tội, phá giấc ngủ của tôi”. Nghe thế, con chuột kia nói: “Vậy bạn hãy dọn đến chỗ ở của tôi. Chỗ ấy ấm áp sạch sẽ mà chẳng mấy khi có người quấy rầy, yên tĩnh lắm”. “Ô thế bạn ở đâu vậy ?”. “Tôi ở trong thùng tiền cứu giúp người nghèo” (Trích Món quà giáng sinh).
Suy niệm
Ba việc đạo đức tiêu biểu mà người Do Thái thường làm: bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Người pharisiêu vụ lợi hình thức luôn làm những việc này trước mặt công chúng để người khác biết và khen họ đạo đức.
Chúa Giêsu cảnh báo những người làm việc đạo đức chỉ để khoe khoang và lấy tiếng khen của người đời, như thế thì vô ích trước mặt Ngài. Mọi hành vi đạo đức nhằm phần thưởng nhân loại trần thế, thì mất phần thưởng thần linh và vĩnh cửu.
Chúa dạy hãy làm việc bác ái và các việc đạo đức cách khiêm nhường và làm cách kín chỉ mong làm vui lòng Cha trên trời. Thiên Chúa thấu suốt mọi sự sẽ thưởng cho: “Cha con, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con”. Hơn nữa, việc đạo đức trên nền khiêm tốn và cách kín đáo xây dựng nên sự “công chính” theo Tin Mừng, có chiều sâu nội tâm của các ý hướng, quên mình và ưu tiên cho danh dự và quyền lợi của Thiên Chúa.
Xin Chúa dạy chúng ta tinh thần nhỏ bé và nhân hậu. Ðể mọi hành động, mọi việc làm của chúng ta luôn kín đáo, xuất phát từ tấm lòng chân thành khiêm cung vì Chúa và vì anh chị em. “… Và khi đã hoàn tất việc đời, lạy Thiên Chúa muôn loài, một mình, lặng lẽ, tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan” (R. Tagore, Đỗ Khánh Hoan dịch).
Ý lực sống
“Mỗi người hãy cho theo như lòng đã định, không phải cách buồn rầu, hoặc miễn cưỡng: Thiên Chúa yêu thương kẻ cho cách vui lòng” (2Cr 9,7).